Câu hỏi: Nhà đầu tư nước ngoài muốn bán lẻ sản phẩm tới người tiêu dùng tại trụ sở chính thì có cần xin Giấy phép bán lẻ và lập cơ sở bán lẻ không?
Trả lời: Dựa trên yêu cầu của Quý khách hàng cùng với các văn bản pháp luật liên quan được tra cứu, Luật My way đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
1. Xin cấp Giấy phép kinh doanh về bán lẻ:
Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì “Bán lẻ là hoạt động bán hàng cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng”.
Căn cứ theo điểm a, c Khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định về cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ:
“1. Giấy phép kinh doanh được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các hoạt động sau:
a) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định này;
c) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định này”.
Theo điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định về Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh:
“4. Trường hợp hàng hóa kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Dầu, mỡ bôi trơn; gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí
c) Đối với hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí: Xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để bán lẻ tại các cơ sở đó”.
Theo thông tin mà Khách hàng cung cấp, Quý Khách hàng muốn bán lẻ các sản phẩm tới người tiêu dùng nên các sản phẩm đó có thể là gạo, đường, sách,…theo điểm c Khoản 4 Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP hoặc các hàng hóa không thuộc trường hợp quy định theo điểm c Khoản 4 Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP. Do đó, căn cứ vào Điểm a, c Khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì doanh nghiệp muốn bán lẻ hàng hóa tại trụ sở chính phải xin cấp Giấy phép kinh doanh về cơ sở bán lẻ và phải đáp ứng được các điều kiện về cấp Giấy phép kinh doanh theo Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
2. Xin Giấy phép lập cơ sở bán lẻ tại trụ sở chính:
Theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP: “Cơ sở bán lẻ là địa điểm thực hiện hoạt động bán lẻ”.
Tương tự như trên về xin cấp Giấy phép kinh doanh về bán lẻ, căn cứ theo điểm a, c khoản 1 điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, trường hợp doanh nghiệp muốn lập cơ sở bán lẻ tại trụ sở chính phải xin thêm Giấy phép lập cơ sở bán lẻ và phải đáp ứng được các điều kiện lập cơ sở bán lẻ theo điều 22 Nghị định 09/2018/NĐ-CP. Theo đó:
“1. Lập cơ sở bán lẻ thứ nhất:
a) Có kế hoạch về tài chính để lập cơ sở bán lẻ;
b) Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên;
c) Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý”
Luật cạnh tranh 2018 quy định cụ thể hơn về quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý: Theo đó, Thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận (Căn cứ vào điều 9 Luật cạnh tranh 2018).
Trường hợp doanh nghiệp muốn lập thêm cơ sở bán lẻ thứ hai, thứ ba,…thì doanh nghiệp cần phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) trừ trường hợp cơ sở bán lẻ đó có diện tích dưới 500 m2, được lập trong trung tâm thương mại và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.
Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT): Doanh nghiệp cần phải đảm bảo các điều kiện về lập cơ sở bán lẻ thứ nhất và phải đáp ứng được các điều kiện sau:
– Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động;
– Số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý;
– Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý;
– Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý;
– Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực thị trường địa lý, cụ thể:
+ Tạo việc làm cho lao động trong nước;
+ Đóng góp cho sự phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ trong khu vực thị trường địa lý;
+ Cải thiện môi trường và điều kiện sống của dân cư trong khu vực thị trường địa lý;
+ Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Trên đây là tư vấn sơ bộ của Luật MyWay liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách hàng. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Trân trọng!
Mọi thông tin liên quan đến việc trao đổi công việc xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH MY WAY
Số điện thoại: 02466880968 Email 1: luatmyway@gmail.com Email 2: lienhe@luatmyway.vn |