Nhu cầu đăng ký bản quyền thương hiệu có xu hướng gia tăng mạnh khi ngày càng có nhiều thương hiệu mới ra đời. Để hiểu hơn về vấn đề này, mời bạn cùng Luật My Way tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Lý do các doanh nghiệp cần đăng ký bản quyền thương hiệu?
Đăng ký bản quyền thương hiệu là thủ tục hành chính để xác lập quyền sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu đối với thương hiệu. Quá trình này sẽ được thực hiện tại Cục sở hữu trí tuệ. Sau khi hoàn tất hồ sơ và thủ tục đăng ký thì chủ sở hữu sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu và được phép độc quyền sử dụng thương hiệu trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Đăng ký bản quyền thương hiệu rất quan trọng vì nó để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp khi đơn vị khác có hành vi xâm phạm thương hiệu doanh nghiệp. Cụ thể dưới đây là những lý do nên đăng ký bản quyền thương hiệu:
- Thương hiệu chỉ phát sinh quyền sở hữu trí tuệ khi đã được chủ sở hữu nộp đơn đăng ký tới cơ quan đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ;
- Chủ sở hữu thương hiệu chỉ có thể khẳng định được quyền sở hữu hợp pháp thương hiệu của mình khi đã được cơ quan đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ;
- Chỉ khi đăng ký, thương hiệu mới được pháp luật bảo vệ trước hành vi xâm phạm quyền của bên khác;
- Chỉ khi đăng ký, chủ sở hữu mới có thể chuyển nhượng, cho phép đối tác sử dụng thương hiệu (nhượng quyền) để thu lại khoản chi phí để tái đầu tư kinh doanh.
Hồ sơ cần chuẩn bị khi tiến hành đăng ký bản quyền thương hiệu
Dựa theo quy định tại khoản 7.1 mục 7, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN thì Cục Sở hữu trí tuệ chỉ tiếp nhận đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “đơn”) nếu khi được nộp, đơn có ít nhất các loại tài liệu quy định tại các điểm a, b và e khoản 1 Điều 100, khoản 1 Điều 108 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi năm 2022) quy định cụ thể sau đây:
- a) Đối với đơn đăng ký sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, các tài liệu bắt buộc phải có để đơn được tiếp nhận gồm:
- Tờ khai đăng ký;
- Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp được đăng ký;
- Cụ thể: Đối với đơn đăng ký sáng chế là bản mô tả sáng chế; đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là bộ ảnh chụp, bộ bản vẽ và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp; đối với đơn đăng ký nhãn hiệu là mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý là bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
- Nếu thiếu một trong các tài liệu nói trên, Cục Sở hữu trí tuệ có quyền từ chối tiếp nhận đơn.
- b) Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu quy định tại điểm 7.1.a trên đây, đơn còn bắt buộc phải có thêm các tài liệu sau đây:
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận;
- Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);
- Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).
>>>Xem thêm: Điều kiện đăng ký nhãn hiệu cho doanh nghiệp, cá nhân là gì?
Trình tự, thủ tục đăng ký bản quyền thương hiệu ra sao?
Quy định các thủ tục chung, theo đó trình tự, thủ tục đăng ký bản quyền thương hiệu được trình bày tại mục 11 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN. Cụ thể tất cả các loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đều được Cục Sở hữu trí tuệ xử lý theo trình tự sau đây:
Bước 1: Tiếp nhận đơn
Bạn có thể nộp đơn đăng ký bản quyền thương hiệu trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn
Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ tiến hành kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn để xem xét đơn nộp có hợp lệ hay không. Trường hợp đơn không hợp lệ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo dự định từ chối đơn và nêu rõ lý do. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Bước 3: Công bố đơn hợp lệ
Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ thì đơn sẽ được công bố công khai tại Công báo sở hữu công nghiệp.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn (trừ đơn đăng ký thiết kế bố trí không tiến hành thủ tục thẩm định nội dung đơn)
Đây là bước Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá khả năng bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ. Từ đây xác định rõ phạm vi bảo hộ tương ứng.
Bước 5: Ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ
- Nếu các đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được yêu cầu về bảo hộ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
- Trường hợp đối nêu trong đơn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo hộ và người nộp đơn nộp lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Đối tượng nêu trong đơn sẽ được ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Như vậy Công ty Luật My Way đã chia sẻ tới bạn chi tiết các hồ sơ, thủ tục và quá trình đăng ký bản quyền thương hiệu. Nếu cần hỗ trợ hoặc tư vấn thêm về hạng mục này, quý khách hàng hãy liên hệ ngay với chúng tôi theo thông tin sau để được giải đáp chi tiết!
Luật My Way – Con đường công lý
Trụ sở chính: Tổ 4, phường Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: P2608, Sảnh A Tòa HH2 Bắc Hà, 15 Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Email: luatmyway@gmail.com
Hotline: 024.6688.0968 – 0936.454.001
Fanpage: Công ty Luật My Way